Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Đói Vi Chất

Nhiều người chủ yếu chỉ ăn đủ bột - đường - béo - đạm mà ít quan tâm đến vi chất, cho đến khi phát hiện mình thiếu thì đến lúc đổ bệnh.


Rau, củ, quả... chứa nhiều vi chất.
Một nghịch lý là người ta có thể ăn no bụng, no về mặt năng lượng nhưng chưa đủ về mặt chất lượng, vi chất, chưa đủ những chất tuy rất nhỏ nhưng lại có tác dụng rất lớn. Tình trạng xảy ra ở tỷ lệ cao trong cộng đồng nên được gọi ví von là nạn đói. Nhưng nạn đói này xảy ra không hẳn do thiếu lương thực mà chủ yếu do thiếu kiến thức dẫn đến thiếu thói quen đúng trong ăn uống.

Chiếc đũa thần

Vi chất là gì? Vi chất bao gồm tất cả các vitamin và vài loại khoáng chất mà cơ thể chúng ta cần với một lượng rất ít, nhưng rất quan trọng đối với cơ thể. những vi chất thường gặp bao gồm vitamin A, vitamin D, kẽm, sắt, i-ốt, selenium... Vi chất được Tổ chức Y tế Thế giới ví như chiếc đũa thần vì chúng là những chất xúc tác cần thiết giúp cơ thể sản xuất ra các loại men, nội tiết tố và những hóa chất thiết yếu khác giúp cơ thể hoạt động mỗi ngày, tăng trưởng và phát triển.

Tại sao "tiềm ẩn"?

Được gọi là đói tiềm ẩn vì chúng ta không cảm nhận được thiếu vi chất khi chúng ta vẫn no và ngon miệng. Nhưng quan trọng hơn cho đặc tính tiềm ẩn là một số vấn đề sức khỏe xảy ra do thiếu vi chất đặc biệt mà người ta không hay biết, nhất là khi tình trạng thiếu ở mức độ trung bình và nhẹ.

Nếu trước đây thiếu vitamin A nặng dẫn đến loét giác mạc, thiếu i ốt nặng dẫn đến bướu cổ thì quá rõ ràng nhưng ngày nay ít gặp hơn. Tuy nhiên ít gặp không có nghĩa là không còn tình trạng thiếu vi chất, mà tình trạng thiếu nhẹ hơn và không còn biểu hiện lâm sàng rầm rộ (trong y học gọi là thiếu vi chất tiền lâm sàng). Thiếu vi chất tiền lâm sàng được chứng minh là góp phần dẫn đến bốn hậu quả sức khỏe nghiêm trọng: một là liên quan đến xương (thấp lùn, loãng xương), hai là liên quan đến sức đề kháng (hay bị bệnh), ba là liên quan đến trí tuệ và bốn là liên quan đến tai biến sản khoa (thai lưu, sinh non, sinh con nhẹ cân). Nhiều người từng vấp phải một trong bốn vấn đề trên nhưng ít nghĩ đến thiếu vi chất, lại đổ lỗi do nguyên nhân khác hoặc không rõ nguyên nhân.

Ai cần lưu tâm hơn?

Thiếu vi chất thường gặp ở các đối tượng có gia tăng nhu cầu vi chất gồm trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú... và tất cả những ai có chế độ ăn không đầy đủ cân bằng.

Thiếu vi chất thường xảy ra đặc biệt ở các đối tượng không đủ chi phí hoặc không muốn hoặc không thể sử dụng nguồn thực phẩm giàu vi chất đó là rau, trái cây và nguồn đạm động vật (thịt, cá, trứng, sữa...). Điều này xảy ra ở những gia đình có thu nhập thấp, sống vùng nông thôn, vùng núi, hải đảo; các đối tượng ăn chay, ăn kiêng, biếng ăn, hay bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa không thể tiêu thụ thực phẩm đa dạng.

Phải bổ sung "vi chất" công bằng

Tức là tất cả các vi chất đều có tầm quan trọng như nhau nên chú ý đến vai trò của tất cả và chú ý bổ sung đầy đủ. Thực tế một số vi chất hoặc đa khoáng chất thường được quan tâm bổ sung nhiều hơn, một số khác bị "quên" đi cũng dẫn đến kết quả không mong muốn. Một ví dụ điển hình là trường hợp người dân than phiền tại sao con tôi uống nhiều sữa mà vẫn không cao, hoặc tại sao tôi uống sữa nhiều mà vẫn bị loãng xương. Trong hai ví dụ trên, đối tượng chỉ chú ý đến canxi mà quên mất các vi chất và khoáng chất khác như vitamin D, magie, kẽm... cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình kiến tạo xương.

Xu hướng tương lai: sử dụng thêm thực phẩm bổ sung vi chất

Để cải thiện tình trạng đói vi chất, chúng ta cần ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều vi chất bao gồm rau, củ, quả và chất đạm có nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng...).

Tiêu thụ thực phẩm đa dạng là biện pháp cơ bản nhất. Ngoài ra cũng có một cách để đảm bảo đủ vi chất đó là sử dụng các loại thực phẩm được bổ sung vi chất. Việc bổ sung này là cần thiết đặc biệt đối với một số loại vi chất mà chế độ ăn uống thông thường  không đủ cung cấp, ví dụ như bổ dung i-ốt vào muối.

Thời gian qua, ngành dinh dưỡng cả nước cũng đã tham gia các hoạt động bổ sung vi chất vào một số thực phẩm phổ biến trong cộng đồng, như bổ sung i-ốt vào muối, hạt nêm, nước mắm; bổ sung sắt vào bột dinh dưỡng trẻ em, vào nước mắm, vào mì gói; bổ sung vitamin A vào đường cát, dầu ăn... Phương pháp này có lợi điểm là tiếp cận với số đông người dân, giá thành thấp, tự nhiên. Những sản phẩm bổ sung vi chất hứa hẹn nhiều tiềm năng góp phần vào công cuộc phòng chống nạn đói vi chất tiềm ẩn tại nước ta.

ThS.BS Trần Quốc Cường
(Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM)

Nguồn: Tuổi Trẻ ngày 26/4/2012




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét