Hồng bao lì xì mang lại niềm vui cho trẻ nhỏ nhưng lại trở thành gánh nặng cho người lớn ở Trung Quốc. Ảnh: China Daily
Không giống như hàng triệu người lao động nhập cư khác ở Bắc Kinh, Liu Rubin không trở về quê nhà ở tỉnh Cam Túc trong dịp Tết Âm lịch năm nay. Tết là thời điểm quan trọng nhất để đoàn tụ gia đình, nhưng chủ quán ăn 22 tuổi này buộc phải bỏ lỡ cơ hội quý giá chỉ vì một điều: hồng bao lì xì.
Liu làm việc tại thủ đô Bắc Kinh chừng nửa năm nay và kiếm được 2.000 Nhân dân tệ mỗi tháng (khoảng 408 USD). "Tôi không thể kiếm đủ để thực hiện bổn phận ngày Tết với khoản tiền mà tôi dành dụm được trong 6 tháng qua", Liu nói.
Hồng bao lì xì là từ dùng để chỉ những món đồ hoặc tiền được đặt trong những phong bao màu đỏ. Hồng bao được tặng cho trẻ em bởi những thành viên lớn tuổi trong gia đình vào mỗi dịp năm mới. Đây được coi là những món quà may mắn cho một năm mới. Giá trị của các món quà thường từ 100 tới 1.000 Nhân dân tệ cho mỗi đứa trẻ.
Với những người có nhiều họ hàng như Liu, hồng bao lì xì đã chuyển từ một truyền thống tốt đẹp thành một nghi lễ hằng năm kéo theo nhiều cảm xúc trái ngược.
Xiao Fang, giáo sư về văn hóa dân gian Trung Quốc tại một đại học ở Bắc Kinh, cho hay người Trung Quốc chỉ bắt đầu sử dụng những món tiền thật để mừng tuổi thay vì dùng những miếng kim loại có lời chúc may mắn kể từ thời nhà Tống (960-1279). "Ngày xưa, đó là cách thể hiện tình yêu và sự quan tâm với những thành viên nhỏ tuổi trong gia đình. Giờ đây, món tiền bên trong nhiều hay ít lại được quan tâm hơn", ông Xiao nói.
Trong những đêm giao thừa thời xưa, cha mẹ thường đưa cho con cái họ những dây tiền xu bằng đồng tượng trưng cho tuổi thọ. Vào thế kỷ 19, người dân bắt đầu bỏ tiền vào hồng bao để tượng trưng cho may mắn và hạnh phúc.
Có rất nhiều phong tục đi kèm với hồng bao. Trẻ em nhận lì xì không được thể hiện rằng chúng háo hức nhận quà. Thay vào đó, những em bé phải từ chối hồng bao nhiều lần trước khi nhận để thể hiện là con nhà nề nếp. Trẻ em nhận mừng tuổi cũng phải gửi lời chúc "Năm mới phát tài" tới người mừng lì xì.
Những em bé chỉ được phép mở phong bao rất lâu sau khi nhận được từ tay người lớn, đặc biệt là không được để người mừng tuổi nhìn thấy, nhằm tránh thể hiện dù chỉ một chút việc háo hức muốn biết số tiền bên trong hồng bao.
Khoản tiền lì xì trong hồng bao thường là những số chẵn như 600 hay 800, vì số chẵn đem lại may mắn theo quan niệm của văn hóa Trung Quốc. Tại tỉnh Quảng Đông, người dân mừng hồng bao lì xì theo cặp, rồi chúc nhau "Song hỉ lâm môn", ý rằng những tin vui và may mắn đến cùng lúc.
Giống như những đứa trẻ phương Tây ngủ cạnh những chiếc tất Giáng sinh với hy vọng khi thức giấc sẽ có món quà trong đó, trẻ em Trung Quốc đi ngủ với những chiếc hồng bao được đặt dưới gối.
Theo truyện dân gian Trung Quốc, một con quỷ nhỏ thường xuất hiện vào đêm giao thừa để chạm vào đầu của những đứa trẻ, khiến chúng bị đau ốm. Một cặp vợ chồng đã ngoài ngũ tuần lo lắng cho đứa con nhỏ của họ, vì thế họ quyết thức cả đêm để bảo vệ con khỏi con quỷ.
Đứa con nhỏ của cặp vợ chồng nghịch những chiếc hồng bao cho tới khi ngủ thiếp đi, với những chiếc phong bao lì xì được đặt dưới gối. Khi con quỷ vào nhà, nó bị ánh sáng màu vàng từ những đồng xu dưới gối làm cho kinh sợ. Đôi vợ chồng già kể lại câu chuyện với những người hàng xóm và người dân bắt đầu bắt chước. Thế rồi điều này trở thành một phong tục khắp Trung Quốc.
Nhưng truyền thống này giờ đã khác xưa rất nhiều. Giá trị của một hồng bao lì xì tăng từ chỉ vài Nhân dân tệ trong những năm 70 của thế kỷ trước lên thành hàng nghìn Nhân dân tệ trong những năm gần đây.
"Khi còn nhỏ, tôi chỉ thường nhận được lì xì không quá 10 Nhân dân tệ. Giờ thì con trai tôi có thể nhận được từ 100 tới hơn 1.000 Nhân dân tệ trong mỗi phong bao màu đỏ", Zhang Qiulin, bố của một cậu con trai 5 tuổi, nói. "Tôi phải giữ tiền lì xì thay cho con vì nó vẫn còn quá nhỏ để cầm tiền".
Nhiều người thậm chí coi hồng bao lì xì là một cách khéo léo mà hiệu quả để xây dựng các mối quan hệ xã hội. Những phong bao lì xì thực ra là để nhắm tới những người bố, người mẹ, chứ không phải là con cái của họ, giáo sư Xiao Fang nói.
"Hồng bao lì xì không còn chỉ là vui vẻ và chúc tụng như trước đây. Là bố của một đứa trẻ được nhận tiền mừng tuổi, tôi phải trả lại chí ít là tương đương. Khi là một người đi mừng tuổi, tôi phải cân nhắc số tiền một cách cẩn thận để nó không gây ra sức ép hay làm mất mặt bố mẹ của những đứa trẻ", Zhang Qiulin nói.
Hồng bao lì xì trở thành một gánh nặng lớn cho những người lớn tuổi, đặc biệt là những người có nhiều con cháu, giáo sư Xiao cho biết. "Tôi thường phải mừng 500 Nhân dân tệ cho mỗi đứa cháu của mình. Tôi chẳng thể kiếm được nhiều hơn với đồng lương hưu ít ỏi. Ở tuổi này, tôi nghĩ đáng ra đây là lúc các con lo chuyện tiền bạc cho tôi", Xu Jingjie, một công chức về hưu 72 tuổi ở Bắc Kinh tâm sự.
Với Liu Rubin, ông chủ quán 22 tuổi người Cam Túc, hồng bao lì xì từ truyền thống đã trở thành nghĩa vụ. "Hồng bao là một gánh nặng. Khi còn bé, tôi tranh giành để được nhận lì xì. Nhưng giờ thì tôi không muốn nghĩ tới nó nữa", Liu nói.
Nhật Nam
Nguồn: Vn Express ngày 23/1/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét