Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Bạn ơi, đừng lãng phí


Hôm nay thứ bảy, tôi “lên phố” để mua cho cậu con bốn tuổi của tôi cái balô để cho nó vào năm học mới. Cu cậu không thích cái balô đeo vai hình con mèo Garfield nữa, mà đòi mua loại có bánh xe kéo như của các anh chị lớp lớn hơn mà nó nhìn thấy từ năm học trước. “Mẹ nhớ mua cái màu cam, và có hình Ben 10 nhớ mẹ nhớ”, cu cậu nhắc đi nhắc lại suốt cả tuần.
Đi ba, bốn cửa hàng, tôi đã tìm được đúng cái balô mà cu cậu muốn. Mừng quá. Mà lại còn được giảm 20% nhân dịp năm học mới nữa. Cái balô trông cũng đẹp không kém đồ nhập khẩu, mà chỉ 220.000 đồng, mua ở nước ngoài ít ra cũng phải 50 USD. Tôi hớn hở đi về.
Nhưng rồi, trên đường về nhà, tôi chợt nghĩ: liệu có hơi lãng phí không? Cái balô Garfield thực ra là còn khá mới, vì nó mới dùng có một năm học. Rồi tôi tự biện minh, “Nhưng năm nay con học cả ngày, đi học phải mang thêm nhiều đồ, mua cái có bánh xe thì nó kéo đi nhẹ hơn”. Rồi tôi lại tự phản biện: “Học mẫu giáo, có cái gì mà phải nặng với nhẹ kia chứ”. Cứ thế tôi cứ nghĩ tới nghĩ lui, lúc thì nghĩ mình mua cái balô mới là đúng, lúc lại nghĩ là như thế có khi cũng hơi lãng phí thật.
Hưởng thụ hay lãng phí?
Nhiều người quanh tôi hay cười cái kiểu suy nghĩ luẩn quẩn đó của tôi. “Ôi giời, có phải là nhà không có điều kiện đâu. Cho con nó hưởng thụ tí đi”. Nhưng gần đây tôi đã “ngộ” ra một điều, hưởng thụ là một chuyện, lãng phí là chuyện khác. Hưởng thụ là mua, làm những thứ cho mình “sướng”, nhưng không nhất thiết phải lãng phí, vì lãng phí, là mua, làm những thứ mà chính mình không được “hưởng”.
Trước kia, tôi cũng chúa lãng phí. Đi mua sắm, thì chẳng mấy khi vì thiếu cái gì cụ thể, cứ lang thang, thấy cái gì thích thì mua. Mà cái thị trường hàng hoá khổng lồ này, cái gì thích cũng mua, thì nhiều khi khuân nửa trung tâm mua sắm về nhà. Và kết quả là quần áo giày dép cứ chất đống, thỉnh thoảng lại phải cho đi một loạt thì tủ mới có chỗ để mua cái mới, nhiều lúc lôi từ đáy tủ ra cả mấy cái còn nguyên mác mà không nhớ mua từ lúc nào.
Đi ăn uống với bạn bè thì cứ kiểu “no bụng đói con mắt”, “gọi cho sướng mồm”, rồi cứ phải ăn cố, đến tức cả thở, mà vẫn còn thừa lại cả đống thức ăn. Mỗi lần như vậy bọn tôi lại níu vào cái lý luận “mình vất vả suốt rồi, hưởng thụ tí theo nhu cầu và khả năng kinh tế, đâu có sao”. Nhưng các bạn cứ để ý, ở các nước phát triển, người ta cũng hưởng thụ chứ, họ còn giàu hơn mình, nhưng có thấy họ lãng phí đồ ăn như mình đâu. Đi nhà hàng mà ăn không hết là gói “doggy bag” mang về. Còn ở mình, cứ đãi khách là phải gọi thật nhiều thì mới là hiếu khách, mới oách, rồi khách thì lại phải ăn kiểu “làm khách”, phải để lại đồ ăn thì mới là lịch sự. Đây không phải là chuyện có tiền hay không, mà là thái độ, là lối suy nghĩ thôi.
Văn hoá lãng phí
Tôi thấy ở mình, lãng phí trở thành thói quen, thành văn hoá. Cần một thì mua hai, ba. Lãng phí từ những thứ mình không phải trả tiền đến cả những thứ mình phải bỏ tiền ra mua, lãng phí trong tiêu dùng cá nhân, cả trong tiêu dùng các nguồn công cộng. Các bạn có biết rằng, riêng về tiêu dùng điện, Việt Nam là một trong những nước lãng phí điện nhất thế giới không? Ở nhiều công sở, nhân viên buổi trưa đi ăn vẫn cứ để điều hoà chạy thoải mái. Cửa sổ thì kéo rèm kín, rồi bật đèn sáng choang. Nhân viên rửa chén ly ở cơ quan, thì cũng thường để nước chảy tự do trong lúc rửa. Đều là do tư tưởng “mình không phải trả tiền” mà.
Chắc các bạn cũng đã từng gặp cảnh đi ăn buffet, có những người cứ bê về bàn thật nhiều, rồi “gẩy” mỗi thứ một ít. Tôi đã từng tới nhà hàng buffet ở nước ngoài, bạn cứ ăn xả láng, nhưng bất cứ đồ nào còn thừa trong dĩa, là nhà hàng tính tiền. Có lẽ ở Việt Nam cũng nên áp dụng mô hình này.
Tôi còn nhớ có lần đọc được một bài báo, do áp nghị định 117 là nếu các hộ dùng nước dưới 4m3/tháng, thì vẫn phải đóng mức tối thiểu tương đương 4m3. Thế là nhiều hộ độc thân, ít ở nhà, dùng 2 – 3m3 thôi, nhưng thấy uất ức vì phải đóng nhiều hơn mức mình dùng, thế là cứ xả nước đi cho nó “bõ tức”.
Lãng phí và các vấn đề môi trường
Liên hiệp quốc gần đây có công bố một bản báo cáo thường niên về phát triển con người, và nêu rõ hai hiểm hoạ lớn nhất đối với loài người hiện nay, là biến đổi khí hậu, và chủ nghĩa tiêu thụ, cụ thể là kiểu tiêu dùng thiếu bền vững, lãng phí. Tiêu thụ lãng phí là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra các vấn đề môi trường. Các tình trạng phá rừng, tuyệt diệt động thực vật hoang dã, làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên… đều là do sự tiêu thụ thiếu bền vững của con người mà ra cả.
Các bạn cứ hình dung hàng triệu những lãng phí dường như rất nhỏ của mỗi cá nhân hàng ngày cộng lại, chính là nguyên nhân dẫn đến việc loài người phải dùng nhiều năng lượng hơn để sản xuất, lại phải khai thác nhiều dầu, nhiều tài nguyên hơn. Chưa kể lãng phí lắm thì vứt đi nhiều. Các bãi chôn lấp rác là nguồn phát thải khí methane lớn nhất, mà khí methane là khí nhà kính gây biến đổi khí hậu mạnh gấp hơn 20 lần dioxit carbon. Đấy, lãng phí nó còn liên quan tới chuyện trái đất cứ nóng lên mãi như thế đấy.
Nhiều cơ quan văn phòng, vẫn chưa luyện được thói quen dùng giấy hai mặt, và cũng không gom lại tái chế. Rồi lại phải nhập khẩu giấy, lại phải phá rừng. Hay nhiều cơ quan vẫn giữ thói quen tiếp khách bằng nước đóng chai. Khách ra về, rất nhiều chai còn uống dở, thậm chí còn gần đầy lại đổ đi hết, lại xả một đống nhựa ra môi trường. Mỗi năm có khoảng 200 tỉ chai nước được tiêu thụ trên toàn cầu, phân huỷ đến bao giờ mới hết!
Nói tất cả những điều này, nhưng tôi hiểu cũng không phải thay đổi thói quen ngay được. Bản thân tôi cũng mới có ý thức giảm lãng phí từ khi sinh em bé. Một ngày nào đó, tự nhiên tôi nhận ra, mình lãng phí cái gì, có nghĩa là mình phải trả tiền cho thứ mình không dùng đến, và nó lại “xén” thẳng vào khoản tiền mà con mình sẽ được hưởng. Thế là tôi bắt đầu “biết” do dự mỗi khi lại định phóng tay mua cái gì. Còn cái balô Garfield, tôi nghĩ ra rồi, tôi sẽ gửi cho hoạt động mottainai của mấy bạn sinh viên, chắc chắn sẽ có một em bé nào đó thích cái balô của thằng con tôi.

Hoàng Thị Minh Hồng

Làm gì để không lãng phí?

1. Bạn có biết 3R không? Reduce, Reuse, Recycle (giảm, tái sử dụng, tái chế). Cái đầu tiên phải là "GIẢM". Nếu không mua nhiều hơn những cái mình cần, thì sẽ không phải vứt đi. Thà mua một hai cái áo đắt hơn một chút nhưng đẹp và mình dùng được nhiều, còn hơn là cứ ham rẻ rồi khuân về một đống rồi lại không mặc. Thứ hai là phải tăng cường tái sử dụng. Ở Việt Nam hiện nay đã đang dần phổ biến mấy ngày hội đổi đồ (mottainai) của các em sinh viên, hoặc một số diễn đàn các ông bố bà mẹ thì trao đổi vật dụng quần áo, thậm chí cả sách vở của các con. Bạn hãy luyện thói quen "không bỏ đi thứ gì". Nếu bây giờ bạn còn có cảm giác ngại mỗi khi đề nghị nhà hàng gói đồ ăn thừa cho bạn mang về, thì yên tâm, không ít người ở Việt Nam đã làm như vậy rồi, bạn không để ý đấy thôi.
2. Bạn hãy luyện các thói quen tiết kiệm điện: Thay bóng đèn compact (mỗi bóng sẽ tiết kiệm khoảng 300.000đ mỗi năm). Hãy tắt điều hòa 15 phút trước khi ra khỏi phòng. Buổi tối ở nhà, tất cả thành viên nên ở trong phòng khách, dùng một cái điều hòa thôi, hơn là mỗi người ở một phòng rồi bật mấy cái điều hòa cùng lúc.
3. Phân loại và tái chế rác: là giải pháp tốt nhất cho việc lãng phí, bảo vệ môi trường đấy. Nhà tôi mỗi tháng tiền bán giấy vụn, chai lọ đồ nhựa linh tinh cũng được hơn 100.000đ, nên chị giúp việc hăng hái lắm.
4. Nên mua bình nước lớn dùng trong gia đình hay văn phòng: khi cần mang đi thì lấy nước từ bình lớn vào một chai, vừa rẻ, vừa tốt cho môi trường.


Nguồn: SGTT(31/8/2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét